Lượt xem: 306

Sóc Trăng thay đổi tư duy, cách làm hướng tới xây dựng thành công nông thôn mới

Tinh thần thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới của người dân nông thôn tại tỉnh Sóc Trăng ngày càng lan tỏa, qua đó bà con góp phần thực hiện hiệu quả các tiêu chí về hộ văn hóa nông thôn mới, ấp văn hóa nông thôn mới, tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu, hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung có giá trị kinh tế cao, thu nhập và điều kiện sống của người dân nông thôn tiếp tục nâng lên.

 


Cánh đồng lúa ST25 tại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên

 

    Men theo con lộ bê tông phẳng lỳ, sạch sẽ rộng hơn 3m, xe ô tô tải cỡ nhỏ lưu thông dễ dàng để vận chuyển nông sản, chúng tôi đến vùng chuyên sản xuất nông nghiệp chủ yếu là cây lúa, màu và chăn nuôi của đồng bào Khmer ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên. Không khí sản xuất nông nghiệp ở đây khá tất bật, đặc biệt đồng bào Khmer đã biết ứng dụng nhiều công nghệ để phục vụ sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

    Ghé thăm một nhà kho nằm sát bên lộ bê tông, chúng tôi gặp lão nông Hứa Thành Nghĩa, Tổ trưởng Tổ hợp tác Nông nghiệp Đại Ân. Ông Nghĩa cho hay, kho này được xây dựng chủ yếu phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ hợp tác. Dẫn chúng tôi đến xem gần chục lao động đang gieo mạ để chuẩn bị cấy lúa cho vụ sản xuất tiếp theo của các thành viên trong tổ hợp tác, ông Nghĩa cho biết thêm, tổ hợp tác có trên 30 thành viên chuyên trồng lúa giống kết hợp trồng màu và chăn nuôi bò. Đối với trồng lúa, tổ hợp tác thực hiện mô hình nhân giống lúa đặc sản ST24, ST25 gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm hiệu quả và bền vững với Doanh nghiệp Hồ Quang Trí trên diện tích 100 ha. Ước tính lợi nhuận bình quân mỗi năm đạt từ 40-50 triệu đồng/ha. Bên cạnh sản xuất tập trung, tất cả diện tích đều được thực hiện theo phương pháp gieo mạ, cấy máy, nhằm giảm lượng lúa giống gieo sạ, hạn chế dịch hại, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho bà con nông dân.

    “Tất cả thành viên trong tổ hợp tác đều được tham gia lớp tập huấn quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), bảo vệ thiên địch, sản xuất theo phương pháp sinh học. Nếu dịch hại tới ngưỡng mức cho phép thì mới can thiệp cuối cùng bằng thuốc hoá học. Chúng tôi bây giờ là đi theo hướng sinh học, trước khi xuống vụ thì chúng tôi luôn tập hợp các tổ viên lên lịch xuống vụ, né rầy, khi có rầy tấn công thì can thiệp bằng phương pháp sinh học” - ông Nghĩa nhấn mạnh.

    Không chỉ hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện nay, Tổ hợp tác Nông nghiệp Đại Ân còn giải quyết việc làm thời vụ cho nhiều lao động tại địa phương với thu nhập từ 200-300 ngàn đồng/ngày.

    Tiến trình xây dựng nông thôn mới của Sóc Trăng đang phát triển đúng định hướng giai đoạn hiện tại là “toàn diện, nâng cao và bền vững”. Trong đó, tỉnh chú trọng đi vào chiều sâu và bền vững cả 3 lĩnh vực trụ cột, gồm: Thu nhập, môi trường, nhận thức người dân.

    Hiện nay, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên có diện tích 1.670 ha chuyên sản xuất 02 vụ lúa, 298 ha trồng hoa màu. Ngoài ra, người dân ở địa phương này còn rất thành công với các mô hình chăn nuôi bò sữa, bò thịt, cho lợi nhuận khá.


Thực hiện trồng lúa theo phương pháp gieo mạ, cấy máy nhằm giảm chi phí sản xuất

 

    Đồng chí Trương Tấn Lâm - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Đại Tâm, cho biết: Xã luôn chú trọng khai thác thế mạnh của địa phương đó là nông nghiệp thông qua các mô hình kinh tế tập thể, ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Tính đến nay, Đại Tâm xây dựng được 1 hợp tác xã sản xuất lúa; 14 tổ hợp tác trồng lúa, chăn nuôi và trồng màu. Nổi bật là xây dựng được mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa ST24, ST25 với diện tích 656 ha, áp dụng quy trình kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” sản xuất tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, áp dụng cơ giới hóa trong các khâu làm đất, bơm tưới, phun thuốc và thu hoạch… có liên kết với doanh nghiệp để cung cấp giống vật tư đầu vào cũng như tiêu thụ lúa thương phẩm. Từ các mô hình nông nghiệp hiệu quả, kết hợp với giải quyết tốt việc làm cho lao động nông thôn đã giúp thu nhập của bà con tăng lên rõ rệt. Qua thống kê trong tháng 8 năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã Đại Tâm đạt trên 79,5 triệu đồng/người/năm.

    Đồng chí Trương Tấn Lâm nhấn mạnh thêm: “Hướng tới chúng tôi tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, hiệu quả, nhằm tăng thu nhập, hỗ trợ thực hiện sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, kể cả trồng rau màu, chăn nuôi để nâng cao giá trị nông sản của địa phương, đảm bảo giữ vững tiêu chí thu nhập”.

    Với quan điểm: Phát triển sản xuất là gốc, xây dựng kết cấu hạ tầng là quan trọng, nâng cao đời sống cho người dân là mục tiêu, xây dựng cảnh quan sáng-xanh-sạch-đẹp là nhiệm vụ thường xuyên, huyện Mỹ Xuyên đã tập trung chỉ đạo, phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Qua đó, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả đã được xây dựng và nhân rộng. Hiện nay, giá trị sản xuất trên 01 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản của huyện đạt 207 triệu đồng/ha (tăng 124 triệu đồng so với năm 2011), thu nhập bình quân đầu người đạt 54 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 1,17%.

    Hiện nay, phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới đã thật sự lan tỏa đến cộng đồng người dân nông thôn, bà con tích cực thi đua thực hiện hộ văn hóa nông thôn mới, ấp văn hóa nông thôn mới, tuyến đường nông thôn kiểu mẫu.

    Đồng chí Đào Đắc Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên, cho biết: “Huyện đã xây dựng được nhiều phong trào tạo cảnh quan sáng-xanh-sạch-đẹp, như ngày thứ Bảy xanh, ngày Chủ nhật tình nguyện, đã phát động được cán bộ công chức, viên chức, người dân hăng hái tham gia trồng hoa, vệ sinh môi trường ở đường làng, ngõ, xóm, kể cả những tuyến đường lớn, như: Đường trục tôm - lúa, đường quốc lộ, các tuyến đường tỉnh…”.

    Hay như ở ấp Trung Nhất, xã Lâm Tâm, huyện Thạnh Trị, hơn 110 hộ dân đã xây dựng được 2 tuyến đường nông thôn kiểu mẫu với chiều dài hơn 2,1 km. Hằng tuần vào các ngày thứ Bảy và Chủ nhật, bà con luôn vận động nhau phát quang, dọn cỏ, trồng, cắt tỉa hoa, cây cảnh, cùng nhau đóng góp kinh phí lắp đặt hệ thống chiếu sáng để người dân thuận lợi lưu thông vào ban đêm. Công sức của bà con giúp tuyến đường đạt giải Nhì trong Hội thi Tuyến đường nông thôn mới cấp tỉnh diễn ra vào năm 2022.

    Theo Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Sóc Trăng, từ năm 2021 đến nay, Sóc Trăng huy động hơn 8.300 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 64 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng nông thôn của tỉnh hiện nay đầu tư ngày càng đồng bộ, hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung có giá trị kinh tế cao, nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng, thu nhập và điều kiện sống của nông dân tiếp tục nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể… Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn nông thôn là hơn 4,7%, tương đương hơn 11.100 hộ, tỷ lệ hộ cận nghèo khu vực nông thôn là hơn 7,4% tương đương hơn 17.400 hộ; tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố, bán kiên cố của các xã trung bình đạt hơn 87%.

    Sóc Trăng đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, có thêm ít nhất 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 8 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với đơn vị cấp huyện, có thêm 3 đơn vị đạt chuẩn nông thôn mới và có thêm 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Để đạt được mục tiêu này, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Sóc Trăng hướng tới đó là tập trung phát triển kinh tế nông thôn, không ngừng nâng cao mức sống cho người dân.


Nông dân ứng dụng hệ thống tưới tiêu tự động vào trồng màu

 

    Tại hội nghị sơ kết 3 năm (2021-2023) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh gắn với phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” diễn ra mới đây, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - Trần Văn Lâu, nhấn mạnh: “Nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho cán bộ và người dân về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông thôn, coi đây là một cuộc cách mạng về tư duy trong xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tiếp tục cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo định hướng chiến lược “hợp tác, liên kết, thị trường, giảm chi phí, tăng chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn”.

    Nhìn lại chặng đường của hơn 10 năm xây nông thôn mới, nhất là giai đoạn mới này (năm 2021-2025) đã tác động làm thay đổi tích cực đến tư duy, cách làm của người dân. Thông qua các đợt tuyên truyền, vận động, bà con đã không còn trông chờ ỷ lại mà đã ý thức tự nguyện tham gia hiến đất, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn sáng-xanh-sạch-đẹp, gia đình văn hoá, xây dựng mô hình nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ số… bằng sự sáng tạo, trách nhiệm, để cùng với địa phương hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Huy Minh



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 65
  • Hôm nay: 7203
  • Trong tuần: 77,910
  • Tất cả: 11,801,230